thiết bị giám sát hành trình

Quy định thiết bị giám sát hành trình

5/5 – (1 bình chọn)

Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện Bộ đang áp dụng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho một số loại xe ô tô khi tham gia giao thông nhằm tăng cường quản lý, giám sát và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Gửi đề xuất đến Bộ Giao thông vận tải để đưa ra giải pháp giảm ùn tắc, bảo đảm an toàn giao thông, ông Mai Thu Đông (tỉnh Đồng Nai) kiến nghị, ô tô khi tham gia giao thông trên các tuyến đường quốc lộ và cao tốc phải đạt tiêu chuẩn smart ô tô (ô tô thông minh) và người điều khiển ô tô tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe (GPLX) điện tử.

Các loại xe đều phải có Hộp giám sát hành trình, hộp này là một máy tính, có phần mềm cần thiết để hỗ trợ người điều khiển phương tiện, giám sát hành trình của phương tiện, là nơi lưu trữ thông tin tình trạng kỹ thuật và hoạt động của phương tiện. Hộp được kết nối với các bộ cảm biến của xe và camera hành trình.

GPLX điện tử hoạt động như thẻ SIM của điện thoại di động và gắn vào Hộp giám sát hành trình trong thời gian phương tiện tham gia giao thông. Nếu không có GPLX điện tử thì ô tô sẽ không di chuyển được trên những đường quy định chuẩn smart ô tô tham gia giao thông. Tay lái của xe ô tô phải có cảm ứng nhận diện dấu vân tay hoặc kỹ thuật nhận diện sinh học khác.

Với hệ thống này sẽ giúp thay cảnh sát giao thông giám sát các phương tiện trên mọi tuyến đường, giám sát tải trọng các loại xe, hoạt động của tài xế đường dài, tự động báo lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện; vận tốc của phương tiện cũng sẽ được linh động hơn, không cho phép người điều khiển phương tiện lái ô tô nếu không đảm bảo sức khỏe….

Về đề xuất này, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau:

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành ô tô khi tham gia giao thông là một xu hướng phát triển tất yếu hướng tới nền giao thông thông minh, hiện đại. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang áp dụng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho một số loại xe ô tô khi tham gia giao thông nhằm tăng cường quản lý, giám sát và bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Đối với đề xuất của ông Mai Thu Đông về mô hình quản lý smart ô tô đòi hỏi phải có kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại cao, bảo đảm sự đồng bộ trong quản lý, vận hành và hạ tầng kỹ thuật phương tiện hiện đại. Trong tương lai, khi có đủ nguồn lực để tổng thể các lĩnh vực, Bộ Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu áp dụng quản lý phương tiện theo mô hình đề xuất trên.

Việc giám sát hoạt động của xe ô tô khi tham gia kinh doanh vận tải đã được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 67 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 “phương tiện kinh doanh vận tải phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe theo quy định của Chính phủ” và tại Điều 14 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 quy định Thiết bị giám sát hành trình của xe:

“1. Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công – ten – nơ, xe đầu kéo kéo rơ moóc hoạt động kinh doanh vận tải và xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải gắn thiết bị giám sát hành trình; thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông.

Contents

2. Thiết bị giám sát hành trình của xe phải bảo đảm tối thiểu các yêu cầu sau:

a) Lưu giữ và truyền dẫn các thông tin theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;

b) Thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của xe được sử dụng trong quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, quản lý hoạt động của đơn vị kinh doanh vận tải và cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra khi có yêu cầu.

3. Đối với những loại xe chưa được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước khi Nghị định này có hiệu lực thì việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được thực hiện theo lộ trình sau:

a) Trước ngày 1/7/2015 đối với xe taxi, xe đầu kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc kinh doanh vận tải;

b) Trước ngày 1/1/2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 10 tấn trở lên;

c) Trước ngày 1/7/2016 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 7 tấn đến dưới 10 tấn;

d) Trước ngày 1/1/2017 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế từ 3,5 tấ đến dưới 7 tấn;

đ) Trước ngày 1/7/2018 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn.”

Chức năng của thiết bị giám sát hành trình

Tại Thông tư số 73/2014/TT-BGTVT ngày 15/12/2014 của Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của ô tô đã quy định thiết bị giám sát hành trình phải có các chức năng tối thiểu sau đây:

1. Chức năng thông báo trạng thái hoạt động

Thiết bị giám sát hành trình phải có chức năng tự kiểm tra (khi khởi động ban đầu và trong suốt quá trình hoạt động) và có các tín hiệu thông báo trạng thái hoạt động, bao gồm: tình trạng có sóng, mất sóng GSM; tình trạng có kết nối, mất kết nối với máy chủ; tình trạng có tín hiệu, mất tín hiệu GPS; tình trạng hoạt động của bộ nhớ lưu trữ dữ liệu; trạng thái đăng nhập, đăng xuất của lái xe. Tín hiệu thông báo các trạng thái hoạt động phải được hiển thị bằng đèn hoặc màn hình.

2. Chức năng ghi nhận thay đổi lái xe

Thiết bị giám sát hành trình phải ghi lại được thời điểm, tọa độ đăng nhập, đăng xuất của lái xe, đồng thời phải có báo hiệu để nhận biết sự thay đổi lái xe và phân biệt được trạng thái đăng nhập, đăng xuất. Việc đăng nhập, đăng xuất của lái xe chỉ thực hiện được khi xe dừng hoặc đỗ. Các thông tin về lái xe sau đăng nhập, đăng xuất phải được lưu trữ tại thiết bị giám sát hành trình và truyền về máy chủ.

3. Chức năng cảnh báo đối với lái xe

Thiết bị giám sát hành trình phải phát tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh với âm lượng không nhỏ hơn 65 dB (A) khi đo ở khoảng cách 10 cm, tần suất từ 60 đến 120 lần trên phút, bảo đảm người lái xe có thể nghe được khi đang lái xe trong các trường hợp sau:

– Xe chạy quá tốc độ giới hạn theo quy định, âm thanh cảnh báo phải được duy trì liên tục cho đến khi tốc độ xe nhỏ hoặc bằng tốc độ giới hạn.

– Tối thiểu 5 phút trước thời điểm 4 giờ lái xe liên tục, âm thanh cảnh báo phải được duy trì liên tục cho đến khi xe dừng hoặc lái xe thực hiện đăng xuất.

4. Chức năng ghi và lưu trữ dữ liệu trên thiết bị

Thiết bị giám sát hành trình phải ghi và lưu trữ dữ liệu trong bộ nhớ thiết bị các thông tin tối thiểu như sau:

a) Hành trình xe chạy

Hành trình xe chạy (thời gian, tọa độ, tốc độ), tần suất ghi và lưu trữ không quá 30 giây trên một lần khi xe hoạt động và không quá 15 phút trên một lần khi xe dừng.

b) Tốc độ vận hành của xe

Tốc độ tức thời trong suốt hành trình xe chạy, thông tin này phải trích xuất được thông qua cổng kết nối của thiết bị giám sát hành trình với máy tính hoặc thông qua máy chủ tại các thời điểm bất kỳ trong suốt hành trình xe chạy.

Đơn vị đo tốc độ là km/h, dải đo tốc độ của thiết bị giám sát hành trình từ 0 km/h đến tối thiểu 150 km/h và độ phân giải của toàn thang đo nhỏ hơn hoặc bằng 1 km/h.

Độ chính xác đo tốc độ của thiết bị giám sát hành trình phải đảm bảo sai số không quá ± 3 km/h.

c) Thông tin về lái xe

Thời điểm, tọa độ bắt đầu và kết thúc làm việc của từng lái xe gắn với xe (tên lái xe, số giấy phép lái xe, biển số xe); thời gian lái xe liên tục của từng lái xe.

d) Thông tin về số lần và thời gian dừng, đỗ xe

Tọa độ, thời điểm, khoảng thời gian của mỗi lần dừng, đỗ xe trong suốt hành trình xe chạy.

5. Chức năng truyền dữ liệu về máy chủ

Dữ liệu theo quy định tại mục 2.1.4 phải được truyền về máy chủ với tần suất không quá 30 giây trên một lần khi xe hoạt động và không quá 15 phút trên một lần khi xe không hoạt động để theo dõi, quản lý, lưu trữ theo quy định. Trong trường hợp mất kết nối với máy chủ do gián đoạn đường truyền, thiết bị giám sát hành trình phải gửi lại đầy đủ dữ liệu đã ghi nhận được trước đó về máy chủ ngay sau khi đường truyền hoạt động trở lại, theo thứ tự thời gian từ trước đến sau (cho phép gửi song song dữ liệu cũ và dữ liệu hiện thời).

6. Chức năng cài đặt tham số

Thiết bị giám sát hành trình phải có khả năng cài đặt được các tham số ban đầu như sau:

– Biển số xe.

– Hệ số xung km/h (đối với thiết bị đo tốc độ theo phương pháp xung).

– Phương pháp đo tốc độ.

– Tốc độ giới hạn.

– Ngày lắp đặt, sửa đổi thiết bị.

Đơn vị sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu thiết bị giám sát hành trình có trách nhiệm tự bảo mật chức năng cài đặt tham số cho thiết bị giám sát hành trình.

7. Chức năng trích xuất dữ liệu qua cổng kết nối với máy tính

Thiết bị giám sát hành trình phải có khả năng kết nối trực tiếp với máy tính thông qua cổng COM (DB9-Male, DTE) tốc độ 115.200 bps, 08 bit, non parity, 01 stop bit theo giao thức quy định tại Phụ lục A của Quy chuẩn.

Đồng thời Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành Thông tư số 10/2015/TT-BGTVT quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô để xử lý vi phạm của lái xe và đơn vị vận tải vi phạm theo quy định.

Tuy nhiên, chính sách bảo mật việc áp dụng rộng cho toàn bộ phương tiện tham gia giao thông chưa được thực hiện và cần có lộ trình (sẽ đưa vào quy định cụ thể khi sửa Luật Giao thông đường bộ năm 2008).


Comments

Một bình luận cho “Quy định thiết bị giám sát hành trình”

  1. Hi, this is a comment.
    To get started with moderating, editing, and deleting comments, please visit the Comments screen in the dashboard.
    Commenter avatars come from Gravatar.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *